Ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết sắp có những quyết định cuối cùng về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.
Hình minh họa (nguồn từ 24h.com.vn)
Ngày 28.12, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đã bàn bạc, lấy ý kiến và sắp đưa ra quyết định cuối cùng về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.
Cụ thể, người đứng đầu Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đã lấy ý kiến nghiêm túc về vấn đề này. Một hội nghị chuyên đề với lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trên phạm vi cả nước, một hội nghị trực tuyến lãnh đạo các sở GD&ĐT cùng các cán bộ làm công tác khảo thí địa phương đã được tổ chức.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng đã thảo luận về vấn đề này tại hai hội nghị tổng kết triển khai nhiệm vụ năm học mới ở khối phổ thông và đại học. Ông Luận cho biết Bộ GD&ĐT cũng đã lắng nghe, ghi nhận ý kiến người dân, các chuyên gia trên phương tiện thông tin đại chúng về kỳ thi THPT Quốc gia vừa được tổ chức trong năm 2015.
Ông Phạm Vũ Luận cho biết: "Đến thời điểm này, ngành giáo dục khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của việc triển khai thi THPT Quốc gia đã thực hiện năm 2015. Tất cả các ý kiến góp ý về cơ bản đề nghị giữ nguyên phương án thi trong năm 2016 như đã thực hiện năm 2015, trong đó có những điều chỉnh chi tiết liên quan đến vấn đề xét tuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh, phụ huynh, gia đình và địa phương".
Người đứng đầu Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đang hoàn tất những công việc cuối cùng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: "Chúng ta sẽ phải sớm công bố phương án thi, muộn nhất là trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để các cháu học sinh có thời gian chuẩn bị".
Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, chi phí tổ chức cho kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua giảm hơn nhiều so với chi phí ba đợt thi đại học, cao đẳng trong những năm trước đây.
Từ 4 đợt thi (năm 2014 trở về trước) nay chỉ còn 1 đợt. Thời gian thi trước đây tối đa là 9 ngày, nay tối đa 4 ngày. Hơn nữa, thí sinh thay vì phải về thi 5 cụm như trước đây, các em có thể thi tại tỉnh hoặc tỉnh lân cận.
Bộ GD&ĐT cũng cho rằng áp lực thi đã giảm đi nhiều. Nếu trước đây thí sinh phải thi từ 7 đến 13 lượt môn thi, nay các em chỉ thi 4 môn đến 8 môn. Trên thực tế, thí sinh đăng ký phổ biến nhất là 4 hoặc 5 môn thi.
Tuy nhiên lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận sự bất cập của kỳ thi THPT Quốc gia là điều khó tránh khỏi. Kỳ thi THPT Quốc gia còn thiếu sót như công tác tuyên truyền, hướng dẫn chưa tốt dẫn đến một số thí sinh, gia đình, nhà trường chưa hiểu hết các quy định mới về tuyển sinh.
Việc đăng ký dự tuyển, đăng ký xét tuyển còn có sai sót. Bên cạnh đó, thời gian xét tuyển đợt 1 quy định 20 ngày quá dài, vấn đề kỹ thuật còn nhiều bất cập.
Tuy nhiên, tỉ lệ những thí sinh bị ảnh hưởng là rất ít.
Theo 24h.com.vn