Tháp học tập (Learning Pyramid hay Cone of Learning) trong những năm 1960 - được phổ biến rộng rãi bởi Viện Nghiên cứu Giáo dục Mỹ - đã chỉ ra cách thức mà nhân loại học tập. Theo đó, chúng ta chỉ nhớ được 5% những gì mình đã nghe giảng, nhưng có thể nhớ tới 90% những gì mình dạy cho người khác.
Điều này có nghĩa là bạn càng chủ động tham gia phân tích thông tin thì càng có khả năng ghi nhớ tốt hơn. Sách vở, các bài giảng trên lớp, video... đều là những phương pháp học tập không có sự tương tác và kết quả là 80 - 95% kiến thức đi vào tai này nhưng lại rơi rụng ở tai kia. Thay vì bắt ép não bộ phải ghi nhớ thông tin qua những phương thức thụ động như vậy thì chúng ta nên tập trung thời gian, năng lượng và nguồn lực vào những phương pháp mang tính chất thực hành nhiều hơn, mang lại hiệu quả cao hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
Kim tự tháp học tập là nền tảng cho việc xây dựng phương pháp học tập trong lớp học. Ngày nay người ta càng ngày càng ưa chuộng phương pháp học tập hiện đại thay vì kiểu truyền thống là chỉ nghe giảng đơn thuần.
Không chỉ giáo viên cần nắm rõ kim tự tháp này để xây dựng bài giảng mà học sinh cũng cần hiểu về nó để chủ động học tập và thay đổi thái độ học tập.Học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay vẫn còn quen thuộc với phương pháp dạy học truyền thống, tức là cô giảng, trò nghe và chép. Có một nghịch lý là khi cô giảng thì có thể trò không tập trung lắng nghe mà nói chuyện riêng trong lớp, nhưng đến lúc giáo viên cho thời gian để thảo luận, thì lớp học lại vô cùng yên tĩnh. Việc trao đổi, thảo luận nhóm sẽ giúp bạn củng cố tới 50% kiến thức, vì thế đừng bỏ lỡ những cơ hội như vậy để không phải hối tiếc.
Dạy và học theo phương pháp tháp học tập có thể thực hiện theo ba bước sau:
- Giới thiệu khái niệm (Introduction): Bằng lời giảng của giáo viên, bằng việc yêu cầu học sinh đọc thành tiếng thông tin trong bài và học qua thiết bị nghe nhìn với hình ảnh và âm thanh minh họa sống động (20%)
- Dạy khái niệm (Teaching): Sau khi học sinh đã đọc thông tin, có thể yêu cầu học sinh trình bày lại theo trí nhớ, sau đó giáo viên đưa ra ví dụ để học sinh cùng thảo luận để đạt mục tiêu 'thảo luận nhóm' (50%)
- Áp dụng khái niệm (Application): Sau khi nắm lý thuyết, học sinh phải tự giải thích đúng sai, giảng giải lại kiến thức cho bạn khác và thực hành (90%)
Cụ thể, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm với bạn bè. Muốn nhớ lâu, học sinh phải được tự tay thực hiện và trải nghiệm. Có thể học sinh sẽ làm sai, nhưng quá trình đó giúp củng cố kiến thức cho các em nhớ lâu hơn và tránh sai lầm khi gặp các hiện tượng tương tự ở những lần sau.
Mức độ cao hơn của phương pháp tiếp thu kiến thức chủ động là dạy lại cho người khác. Giáo viên có thể tổ chức những buổi học nhóm cho học sinh. Các em thay phiên nhau giảng lại kiến thức đã được học. Cách này đảm bảo học sinh nhớ đến 90% và sẽ nhớ rất lâu.
Cách ghi nhớ nhanh này hoàn toàn không quá phức tạp. Nhưng muốn áp dụng hiệu quả cách học này, Thầy cô và cả học sinh phải thay đổi tư duy học tập theo phương pháp nâng cao tính chủ động. Tháp mô hình học tập của Viện Nghiên cứu Giáo dục Mỹ đã chứng tỏ hiệu quả của nó tại nhiều quốc gia. Dựa vào đó giáo viên có thể tim ra phương pháp dạy học và truyền thụ kiến thức hiệu quả hơn.