Tập trung trong giờ học
Tập trung là trật tự trong giờ học? Không đâu, tập trung khác hoàn toàn với trật tự chứ.
Trật tự chỉ là không nói gì, còn không biết trong đầu suy nghĩ thế nào. Còn tập trung là dành toàn bộ sự chú ý (ngôn ngữ hiện nay là dành cả tuổi thanh xuân) bằng tất cả các giác quan của mình vào nội dung học tập. Mắt nhìn bảng, tai nghe thầy cô giảng, tay ghi chép, trí óc tư duy, suy luận, tưởng tượng, phán đoán.
Trong lớp phải học với tinh thần như người khát nhìn thấy nước, chỗ nào chưa hiểu sau một hồi tư duy tự hỏi mình, có thể giơ tay xin phép thầy cô được hỏi bạn hay hỏi thầy cô, chứ không cần giữ trật tự một cách thụ động. Nếu cần, hãy xin phép thầy cô trình bày cách hiểu của mình về vấn đề nào đó khi cảm thấy chưa chắc chắn đúng hay sai.
Ghi chép khoa học
Ghi chép khoa học là phải viết ngay ngắn, thẳng hàng? Không đâu, mình đi học để lấy kiến thức cơ mà, có phải đi thi vở sạch chữ đẹp đâu, hãy lựa chọn cách ghi chép sao cho phù hợp với mình mà vẫn khoa học, đầy đủ kiến thức. Một số gợi ý có thể áp dụng như sau:
- Dùng bút mực đỏ để ghi đề mục, khoanh công thức cần nhớ.
- Dùng bút nhớ để đánh dấu kiến thức quan trọng
- Luôn dành một góc trên bên phải của vở để ghi chép lại những kiến thức quan trọng liên quan đến bài đang học, hoặc bất chợt nhớ ra mà có thể không liên quan lắm.
- Luôn dành cột nhỏ bên trái để ghi chép những thắc mắc, ghi chú, câu hỏi hay phát hiện nào đó của cá nhân, để khi nào có thời gian thì thảo luận với bạn bè hay hỏi thầy cô.
Tập thể dục cho não đều đặn
Học tập cũng tương tự như tập thể dục. Muốn cho đầu óc khỏe mạnh thì phải rèn luyện thường xuyên. Kiên trì, đều đặn tập thể dục cho não, đảm bảo não sẽ khỏe hơn mỗi ngày, biểu hiện ra bên ngoài là tư duy linh hoạt, làm việc khoa học và kết quả học tập tốt hơn hẳn.
Với các môn học, nên đặt ra chỉ tiêu về số lượng bài tập cần hoàn thành trong một chu kỳ thời gian để tập thể dục cho não.
Ngày xưa vì đam mê Toán, nên kinh nghiệm cá nhân là đặt chỉ tiêu phải hoàn thành 5 bài tập nâng cao mỗi ngày, không kể các bài tập bắt buộc trên lớp, cũng không kể ngày nghỉ tháng lễ. Một tuần đều đặn 35 bài tập, sáng không làm kịp thì chiều, hôm trước không làm kịp thì hôm sau làm bù.
Ngày nay, chương trình giảm tải đi nhiều, lại có nhiều môn học hơn, các bạn học sinh có thể chỉ cần đặt ra mục tiêu hoàn thành 3 bài tập/ngày (2 bài tập cơ bản, 1 bài tập nâng cao), không kể ngày đó có tiết Toán hay không. Cứ kiên trì tuân theo nguyên tắc của mình thì chẳng bao lâu, không tránh được việc trở thành học sinh học giỏi Toán đâu!
Tương tự với các môn khoa học như Vật lí, Hóa học, Sinh học,... cũng nên có một chỉ tiêu bài tập vừa đủ trong tuần để tập thể dục cho não. Thêm nữa, nên dành thời gian xem các bộ phim tài liệu, phim khoa học liên quan đế kiến thức đang học để củng cố, mở rộng kiến thức cũng như thấy được sự liên quan giữa kiến thức trên lớp và thực tế.
Nên đặt chỉ tiêu mỗi tháng đọc mấy quyển sách và dành thời gian đọc sách mỗi tuần để gia tăng lượng ngôn từ và kiến thức văn học. Nên đặt mục tiêu đọc lần lượt các tác phẩm văn học kinh điển, các truyện ngắn, tiểu thuyết của các tác giả nổi tiếng trong chương trình văn học hoặc các sách về kỹ năng xã hội. Có thể chọn bất cứ đề tài gì yêu thích nhưng nên chọn sách có nhiều chữ hơn tranh để trí tưởng tượng của mình có cơ hội phát huy.
Hiện nay, nhiều tác phẩm đã được chuyển thành sách nói, không tiện đọc thì có thể nghe những tác phẩm này. Có thể tìm thấy kho sách nói này trên youtube.com hoặc các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Trước khi đi ngủ, dành ra 15 phút để nghe một phần quyển sách nào đó cũng rất tốt.
Rèn luyện thói quen tự học
Hiện nay, nguồn tài liệu, học liệu, bài giảng và phương tiện học tập có rất nhiều. Chỉ cần vào google.com gõ từ khóa là có hàng ngàn nguồn tài liệu liên quan đến kiến thức cần học. Có thể chọn lọc, so sánh, tổng hợp kiến thức từ các nguồn khác nhau, Điều này cũng rèn luyện tuy duy phân tích, tổng hợp - một kỹ năng cần thiết cho công việc sau này.
Không thích đọc tài liệu thì xem bài giảng online trên Youtube, không thích làm bài tập trên giấy thì làm trắc nghiệm trên máy tính, Ipad, điện thoại, nghe cô giáo này giảng chưa hiểu thì xem thầy giáo kia giảng lại, thắc mắc nào chưa được giải đáp thì có thể lên diễn đàn hỏi đáp, kiểu gì chẳng có câu trả lời.
Nên lưu lại một số trang web kiến thức yêu thích để dễ tìm kiếm khi cần đến.
Ngày xưa chưa có điều kiện, đi đâu cũng thủ sẵn giấy bút trong người, tiện chỗ nào là mang giấy bút ra nghĩ nốt mấy bài hình đang làm giở. Nhiều khi, đang sắp đi ngủ hoặc có khi đang tắm lại nghĩ ra cách giải mấy bài toán khó, ồ zê, may là kiềm chế được, không chạy ra ngoài!
Ngày nay thì thoải mái rồi, điện thoại thông minh lúc cũng mang theo để ghi chép, truy cập các nguồn học liệu. Nhưng nếu cần, cứ mang theo mấy tờ nháp gấp tư cùng cái bút, thì có thể học bất cứ lúc nào không phụ thuộc địa hình, cũng rất hiệu quả.
Thói quen tự học ngoài việc giúp tiết kiệm được một khoảng thời gian và chi phí đáng kể còn có ý nghĩa lớn lao hơn là hình thành, phát triển kỹ năng tự nghiên cứu, độc lập, tự chủ trong công việc - một kỹ năng rất cần thiết trong tương lai.
Giảng lại cho người khác
Làm được bài tập rồi thì cũng nên trăn trở xem còn cách nào khác hay hơn không, có lời giải nào đẹp hơn không? Và rất nên trao đổi, hay giảng lại cho người khác, vì mỗi lần giảng lại cho người khác là kiến thức của mình lại được củng cố vững chắc hơn, theo đó, một số kỹ năng mềm cũng được phát triển theo. Mặt khác, trong khi giảng lại cho người khác, nhiều khi lại phát hiện ra những cách giải đẹp hay những kiến thức mới vô cùng thú vị!
Giảng lại cho người khác là cấp độ tiếp thu kiến thức cao nhất trong Kim tự tháp học tập, vậy thì dại gì mà không giảng lại cho người khác, tiện cả dăm ba đường ấy chứ!
Có 5 điều vậy thôi, cũng chẳng khó khăn lắm. Ngại nhất là lúc học giỏi rồi lại hay bị người ta yêu quý, trân trọng và làm gì cũng dễ dàng hơn.