Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 459
  • Trong tuần: 45155
  • Tất cả: 1849527
Mảnh vườn trong thơ Nguyễn Bính
Trong những cuộc đàm đạo văn chương bên ly rượu Tết, chén trà Xuân, Nguyễn Bính là nhà thơ thường được mọi người nhắc đến. Ông góp mặt chung vui với chúng ta không chỉ vì những bài thơ xuân hợp cảnh mà còn vì khả năng "đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta". Với một chút hoài niệm ta dễ dàng mượn thơ Nguyễn Bính làm kẻ dẫn đường để về với "chân quê".

              MẢNH VƯỜN TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH
   Trong những cuộc đàm đạo văn chương bên ly rượu Tết, chén trà Xuân, Nguyễn Bính là nhà thơ thường được mọi người nhắc đến. Ông góp mặt chung vui với chúng ta không chỉ vì những bài thơ xuân hợp cảnh mà còn vì khả năng "đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta". Với một chút hoài niệm ta dễ dàng mượn thơ Nguyễn Bính làm kẻ dẫn đường để về với "chân quê".

Làng quê VN truyền thống được vẽ lên khá đủ nét trong các thi phẩm về nông thôn của mọi thi nhân. Trong bức tranh chung ấy mỗi người sẽ chọn cho mình một vài chi tiết để tập trung bút lực. Với Nguyễn Bính, mảnh vườn là "biểu tượng và là ám ảnh của nông thôn trong thơ", "vườn không chỉ là biểu tượng của thôn quê mà là của cả dân tộc, "chân quê" của mỗi người Việt Nam". (*)

Mảnh vườn có thật sự là biểu tượng của cả dân tộc trong thơ Nguyễn Bính hay không thì còn phải suy nghĩ nhưng rõ ràng nó là một nỗi ám ảnh, là biểu tượng của chính tâm hồn ông.

   Cánh đồng, đường làng, sân đình, con đê.....từ bao đời đã trở nên quen thuộc trong trường nghĩa thôn quê, nhưng đấy là thôn quê của cộng đồng làng xã, của tất cả mọi người. Ai cũng thấy mình trong đó nhưng không ai nhìn rõ một chân dung. Người nhà quê, với một chút tư hữu, gắn bó sâu sắc nhất với mảnh vườn quê - cõi riêng của cá nhân giữa cộng đồng. "Thi sĩ của thương yêu" - một người nhà quê chính hiệu - đã bắt mạch được điều này và tự bộc lộ hồn mình bằng cả một vườn thơ. Mảnh vườn đeo đẳng suốt đời thơ của thi nhân, cả thực tại, hoài niệm và mộng ảo.

   Trong con mắt của người dân quê, hình ảnh đầu tiên đọng vào tâm hồn khi nhìn ra thế giới là mảnh vườn nhà và bước chập chững đầu tiên khi vượt ra khỏi góc sân nhỏ bé cũng chính nơi ấy.  Dẫu năm tháng phôi pha bao kỷ niệm, dù bước chân mòn mỏi chốn giang hồ, mảnh vườn quê thời thơ ấu vẫn vẹn nguyên trong ký ức:

      "Nhà tôi có một vườn dâu

   Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần

      Hoa đỗ ván nở mùa xuân

   Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm"

   Hình ảnh vật chất cụ thể đã hoá thành những giá trị tinh thần nâng đỡ con người trên những bước thiên di.

   Thực hay mộng thì mảnh vườn vẫn là nơi thể hiện rõ nhất cái tôi "chân quê" của nhà thơ. Nơi ấy chứa đựng bao kỷ niệm thân thương, bao suy tư trăn trở của cậu bé ngày nào giờ đã chớm biết yêu đương. Giậu mùng tơi ngăn cách , giàn giầu không thương nhớ từ vườn thơ của ông đã trở thành "điển cố tình yêu " trong trái tim bao đôi lứa. Ươm trồng hoa trái, nuôi dưỡng ứơc mơ, mảnh vườn đã giúp nhà thơ bộc lộ lòng mình và nói hộ lòng người trong những xúc cảm hoá thân:

   "Anh trồng cả thảy hai vườn cải

   Tháng Chạp hoa non nở cánh vàng

   Lũ bướm láng giềng đang khát nhuỵ

   Mách cùng gió sớm rủ rê sang "

   Hoa tươi gọi bướm và lòng người bừng lên khát khao hạnh phúc. Nhưng cuộc đời lắm nỗi éo le , chẳng bao giờ như mơ ước. Mùa cải qua đi để lại nỗi ngậm ngùi :

   "Em đã sang ngang với một người

   Anh còn trồng cải nữa hay thôi

   Đêm qua mơ thấy hai con bướm

   Khép cánh tình chung lại giữa trời"

   Biết đâu chúng ta sau những tháng năm vật lộn, tranh đấu với đời vì một chút công danh, vì miếng cơm manh áo nơi xứ người lại chẳng có ngày muốn trở về trồng cải ven sông cho hoa nở vàng tháng Chạp ?

   Êm đềm, đẹp đẽ và thơ mộng- tất cả những điều ấy không ngăn nổi bước chân giang hồ rời bỏ mảnh vườn quê . Từ những chuyến đi "mãi mãi vào sơn cước" ở miền thượng du phía Bắc đến những ngày lưu lạc “hành phương Nam” hình ảnh vườn quê vẫn không thôi vương vấn. Những giọt đắng cuộc đời hoá thành nước mắt của người chị "lỡ bước sang ngang" với lời nhắn gửi  “...em ở lại nhà , vườn dâu em đốn, mẹ già em thương" phần nào giúp tác giả gửi gắm tâm tư. Dẫu không muốn thể hiện sự yếu lòng , con người đồng cảm với tráng sĩ Kinh Kha cũng có lúc phải nói thật lòng mình khi viết "thư gửi thầy mẹ ":

      "Thầy ơi, đừng chặt vườn chè

   Mẹ ơi đừng bán cây lê con trồng"

   Những giá trị vật chất nhỏ nhoi đã trở nên hết sức lớn lao về ý nghĩa tinh thần với con người phiêu bạt "nửa đời gió sương". Mảnh vườn ám ảnh nhà thơ bởi sự nuối tiếc. Khoảng cách về không gian và thời gian khiến thi sĩ quặn lòng. Mừng cho một người về, bỏ chốn giang hồ trở lại quê hương, nhà thơ gom hết mây Tần, thôn Vân – thực và ảo – vào mảnh vườn nhà. Câu thơ về mảnh vườn quê đẹp và giản dị đến không ngờ, giản dị đến mức ai cũng biết mà chẳng ai tả được:

      "Quả lành nặng trĩu từng cây

   Sen đầy ao cá , cá đầy ao sen"

Thế nhưng cài đẹp ấy lại khắc vào tâm tư một nỗi ngậm ngùi, bởi:

      "Không còn ai ở quê nhà

   Hỏi còn ai nữa ? Để hoa đầy vườn"

Mảnh vườn thương nhớ đẹp lên nhiều lần trong những phút thăng hoa "biếc trong nắng sớm , hồng trong vườn chiều" không phải lúc nào cũng giúp cho ta có cảm giác được vỗ về để tìm thấy sự bình yên. "Ba gian trống một mảnh vườn xác xơ " đâu chỉ là nỗi xót xa trong tâm hồn phận gái mười hai bến nước!...

   Mảnh vườn trong thơ Nguyễn Bính xuất hiện nhiều nhất dưới dạng hoài niệm. Bởi nó là nơi nâng bước người đi và đợi bước người về sau những tháng ngày phiêu bạt. Gửi lòng về với quê hương, tâm tư vẽ nên bao ước mơ hạnh phúc trên mảnh vườn xưa, nơi đầy những "hoa bưởi hoa cam rụng" đã cất lên nồi nước hoa thời thơ ấu mà hương thơm vương vấn cả cuộc đời :

   "Vườn xuân trắng xoá hoa cam rụng

   Tôi với em Nhi kết vợ chồng"

Để rồi tự hỏi :

"Chao ôi là mộng hay là thực

Là thực hay là mộng bấy lâu"

Và cuối cùng đối mặt với thực tại đắng cay :

   "Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng

   Gặp lại nhau chi , muộn mất rồi "

   Con người chấp nhận "bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh" để "dan díu với kinh thành", "mơ mãi vườn tiên giới" đã hoàn toàn vỡ mộng khi ngày về không tìm được vườn xưa.

   Có lẽ, "Hoa với rượu", một bài thơ mang nét tự sự , là thi phẩm thể hiện rõ nét và đầy đủ nhất về mảnh vườn – biểu tượng tâm hồn của Nguyễn Bính.

   Đời sống thôn quê đã vun đắp nên tâm hồn thi sĩ và người trải hết lòng mình để đón nhận tình quê. Những trăng vàng , gió cả, hoa xoan, mưa bụi, tiếng trống chèo, lễ Kỳ Yên … vì thế đã đi vào thơ ông , đánh thức tâm hồn bao người nỗi nhớ về phong vị làng quê của một thời xa vắng. Nhưng nếu thiếu mảnh vườn ta khó lòng cảm nhận đủ hồn quê. Và bản sắc riêng của tâm hồn thi sĩ cũng nhạt nhoà.

   Mảnh vườn là nơi mang đậm dấu ấn cá  nhân nhất  ở làng quê và cũng là giá trị bền vững nhất trong hồn người. "Hoa chanh nở giữa vườn chanh…"- sự phấp phỏng của chàng trai thuở trước cũng là lời tự dặn lòng của nhà thơ khi "đi tỉnh "- dấn bước phiêu bồng. Và ông nhắn với vườn xưa:

      "Sang xuân tôi phải về nhà

   Đợi xem giàn đỗ ra hoa có nhầm " (**)

   Người sợ hoa cỏ vườn nhà cũng phai nhạt "chân quê"….

                     Cuối Đông năm Giáp Thân

                       NGUYỄN ĐỨC THẠCH
----------------------------------------
 (*) Đỗ Lai Thuý - " Đường về "chân quê" của Nguyễn Bính"

 (**) Câu thơ "Nói ra sợ mất lòng em!/ Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa" thường được coi là tiêu biểu nhất cho nỗi nuối tiếc, sự níu kéo những giá trị "chân quê" của Nguyễn Bính nhưng có lẽ câu thơ này còn "ghê gớm" hơn. Không chỉ con người mà "đến cả ông giời cũng đổi thay".

Nguyễn Đức Thạch