Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 710
  • Trong tuần: 5027
  • Tất cả: 1921023
CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ XUÂN DIỆU
Có thể nói nền văn học Việt Nam đã “thay da đổi thịt” kể từ khi phong trào Thơ Mới xuất hiện vào đầu thế kỉ XX. Nó như trận địa chấn làm rung chuyển mọi ý thức và quan niệm về thơ từ trước đến giờ. Sức ảnh hưởng của Thơ Mới càng được khẳng định khi với 15 năm phát triển, nó đã có những thành tựu lớn nổi bật, góp một dung lượng không nhỏ vào thi viện Việt Nam cũng như nền văn học nói chung của nước nhà. Một trong những thành tựu nổi bật của thơ ca giai đoạn này nói chung và Thơ Mới nói riêng là cái tôi trữ tình. Cái tôi trữ tình không phải ra đời chỉ khi Thơ mới xuất hiện mà đã có từ trước đó. Thế nhưng ở giai đoạn này, nó lại mang một sắc thái mới, riêng biệt mà ta có thể thấy rõ nhất ở hồn thơ Xuân Diệu. Như Hoài Thanh đã nhận xét: “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới”.
CÁI TÔI TRỮ TÌNH TRONG THƠ XUÂN DIỆU

(Trích Hội thảo khoa học lớp 11 Văn 2020-2021 –
Cái tôi trữ tình trong Thơ mới qua một số nhà thơ tiêu biểu)
Nguyễn Lê Thị Thiên Quý – 11 Văn K13
Có thể nói nền văn học Việt Nam đã “thay da đổi thịt” kể từ khi phong trào Thơ Mới xuất hiện vào đầu thế kỉ XX. Nó như trận địa chấn làm rung chuyển mọi ý thức và quan niệm về thơ từ trước đến giờ. Sức ảnh hưởng của Thơ Mới càng được khẳng định khi với 15 năm phát triển, nó đã có những thành tựu lớn nổi bật, góp một dung lượng không nhỏ vào thi viện Việt Nam cũng như nền văn học nói chung của nước nhà. Một trong những thành tựu nổi bật của thơ ca giai đoạn này nói chung và Thơ Mới nói riêng là cái tôi trữ tình. Cái tôi trữ tình không phải ra đời chỉ khi Thơ mới xuất hiện mà đã có từ trước đó. Thế nhưng ở giai đoạn này, nó lại mang một sắc thái mới, riêng biệt mà ta có thể thấy rõ nhất ở hồn thơ Xuân Diệu. Như Hoài Thanh đã nhận xét: “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới”.
Hồn thơ Xuân Diệu xuất hiện trên thi đàn lúc này như một cuộc cách tân tràn đầy sức sống trong thi ca. Trước hết là ở phương diện các sắc thái cảm nhận về cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Diệu. Nó được thể hiện qua việc nhân vật trữ tình nhập thân qua nhiều hình ảnh cùng với sự đồng nhất cái tôi trữ tình với thiên nhiên. Như đoạn thơ sau:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều,
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi.
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.”
“Ta muốn ôm” được Xuân Diệu tài tình đặt ở chính giữa trang giấy, chính giữa đoạn thơ như mong muốn thể hiện bản thân mạnh mẽ, muốn ôm trời đất, muốn đứng giữa vạn vật, đất đai. Với điệp ngữ “Ta muốn”, độc giả không khó để cảm nhận một ý thức hiện sinh căng tràn, mạnh mẽ. Dường như, nhân vật trữ tình như muốn hòa mình với thiên nhiên, say men hơi cay cùng với đất trời. “Đời” trong ý thức của nhà thơ đâu chỉ khô cằn với ý nghĩa đơn thuần của nó, không chỉ là người, là sự vật mà còn chứa đựng thiên nhiên mơn mởn “mây đưa; gió lượn; cánh bướm; non nước, cây, cỏ”. Khát khao giao cảm với thiên nhiên như căng tràn và vượt thoát ra khỏi câu chữ. Đọc đến những ý thơ này, độc giả không chỉ nghĩ có hồn thơ Xuân Diệu nhảy múa mà còn có cả từng từ, từng ý trong “Vội vàng” cũng đang đung đua với cái tôi trữ tình tràn đầy sức sống trong tác phẩm của ông. Để rồi đến cuối bài thơ, khát khao ấy không còn là quan niệm, ý thức sống giục giã, vội vàng nữa mà đã trở nên như một tuyên ngôn sống đầy mạnh mẽ:
“-Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”.
Đây là lời nói trực tiếp, mong ước giờ đây không còn ẩn giấu sau câu chữ mà được nhà thơ thăng hoa điệu hồn mình với thiên nhiên mà thốt nên thành từng lời dõng dạc như thế! Quả thật, đọc thơ Xuân Diệu khiến người đọc cứ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, vì cái khát khao mãnh liệt của ông như chứa trong đầy một tia lửa điện mà lan truyền, đánh động đến ý thức sống vội vàng, sống căng tràn của mỗi người.
Thế nhưng, điều gì làm nên nét riêng cho cái tôi trữ tình của Xuân Diệu? Ý thức sống vội vàng như thế ta cũng bắt gặp trong thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử mà:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Câu hỏi của Hàn Mặc Tử chứa đựng chữ “kịp” như là nhãn tự của cả câu thơ. Nó hé mở cho độc giả biết chính ông cũng đang sống vội vàng, cũng đang chạy đua với thời gian đây. Tuy nhiên, so với Xuân Diệu lại là hai cái tôi trữ tình hoàn toàn khác nhau. Bởi lẽ, Xuân Diệu còn thời gian, còn cơ hội để thực hiện khát khao thâu chiếm cả thiên nhiên vào hồn mình. Nhưng quỹ thời gian của Hàn Mặc Tử lại trôi đi từng ngày. Bởi vậy mà nhân vật trữ tình mới cất lên câu hỏi đến nghẹn lòng: Còn có kịp không? Một câu hỏi dường như ai cũng hiểu rõ lý do nhưng chẳng tài nào đoán nỗi câu trả lời.
Trở lại về cái tôi trữ tình trong hồn thơ Xuân Diệu, ta thấy được nó độc đáo là do cách thể hiện ý thơ của ông như căng tràn vào từng câu chữ. Cái tôi trữ tình biến tấu để nhập vào nhiều hình ảnh mang đầy sức gợi (ảnh hưởng bởi lối thơ của Pháp) cùng với đó còn là khát khao giao cảm, mong muốn đồng nhất cái tôi trữ tình với thiên nhiên.
Vội vàng, Giục giã là thế nhưng ta còn bắt gặp cái tôi trữ tình đầy cô đơn qua thi phẩm: “Nguyệt cầm”. Một thế giới khác hẳn với “Vội vàng” hay “Giuc giã”:
“Trăng nhập vào dây cung trăng nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”
Cái tôi trữ tình đầy cô đơn ngay từ khi đặt chân bước vào thế giới của “Nguyệt cầm”. Chỉ với một chữ “nhập” nhưng lại khởi đầu cho tất cả. Nếu như đàn vừa được làm ra chỉ tồn tại với một thần xác vô hồn thì khi trăng nhập vào dây cung, hồn đàn mới xuất hiện. Từ cái khoảnh khắc đầy màu nhiệm ấy, mỗi nốt nguyệt cầm được ngân lên sẽ là bản giao hưởng tuyệt diệu giữa thanh âm và ánh sáng. Bởi lẽ Xuân Diệu đầy tinh tế khi sử dụng thủ pháp xáo trộn hình ảnh kết hợp với cấu tứ theo lối đồng nhất. Nếu như ở thi phẩm “Vội vàng”, nhà thơ đồng nhất cái tôi trữ tình với thiên nhiên thì đến với không gian của “Nguyệt cầm”, thi nhân đồng nhất với một không gian đầy lạnh lẽo, chỉ có cung trăng và cung đàn tồn đọng trong miền giá băng ấy.
Với chất liệu gồm cả ánh sáng và âm thanh, thi nhân đã đạt đến độ tinh xảo khi diễn tả âm sắc của đàn nguyệt làm câu thơ tạo nên hai luồng nghĩa: Nếu trăng là một cây đàn thì từng giọt đàn là từng giọt trăng. Thế nhưng, nếu đàn là trăng thì âm thanh là sắc trăng. Thi vị độc đáo của câu thơ chính là sự giao động bất tuyệt giữa hai bề ngữ nghĩa. Bên cạnh đó câu thơ gồm ba thanh trắc thì cả ba đều là thanh nặng: “nhập”, “nguyệt”, “lạnh”. Hai dấu nặng đi liền nhau xuất hiện ở cuối câu gây cho độc giả cảm giác lạnh suốt cả chuỗi âm thanh của câu thơ, dẫn dắt người đọc vào thế giới nguyệt cầm với những gam màu lạnh chen lấn nhau để vào tâm hồn người nghệ sĩ.
Qua hai thi phẩm trên với hai cách thể hiện cái tôi trữ tình đầy khác biệt, ta thấy được rằng: Cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Diệu đầy phong phú, đa dạng và độc đáo. Nó được biểu hiện qua các sắc thái cảm nhận về cái tôi trữ tình đầy riêng biệt, ở cả hai phương diện. Một cái tôi độc đáo, tích cực, thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống. Ở phương diện còn lại là một hồn thơ cô đơn ngay chính giữa cuộc đời với thế giới được bao phủ một sắc lạnh rợn ngợp hồn người. Cái tôi trữ tình được thăng hoa trong từng câu chữ của thi sĩ còn nhờ vào các biện pháp nghệ thuật như cái tôi trữ tình nhập thân, đồng nhất với thiên nhiên & cái tôi biến hóa qua nhiều thi ảnh đầy sức gợi.
Bởi những nét độc đáo như thế, muôn đời sau hồn thơ Xuân Diệu là Xuân Diệu, tiếng lòng thơ Xuân Diệu cũng sẽ không lẫn lộn vào đâu được, không thể lẫn lộn với bất kì nhà thơ nào khác:
“Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta.”
(“Hi – Mã – Lạp – Sơn”)