Công nghệ
thông tin (CNTT) có vai trong quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước, tác động đến sự phát triển của xã hội, làm thay đổi về
cách sống, làm việc, học tập, tư duy. Có thể hiểu CNTT là tập hợp các phương
pháp khoa học, công nghệ và công cụ kỹ thuật hiện đại để sản xuất, truyền đưa,
thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số.
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Phan Đình Phùng (Ninh
Phước) ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, soạn giáo án.
Ảnh: Sơn Ngọc
Trong ngành giáo dục, việc ứng dụng CNTT trong thời
gian qua đem lại kết quả đáng kể góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý,
hoạt động dạy-học. Từ năm học 2008-2009, Bộ Giáo dục& Đào tạo (GD&ĐT)
xác định là năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tập trung nâng cao chất lượng
GD&ĐT, coi trọng việc ứng dụng CNTT trong đổi mới căn bản, toàn diện nền
giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đối
với hoạt động giáo dục, CNTT được ứng dụng rộng rãi trong soạn giáo án; thực
hiện bài giảng; khai thác dữ liệu; ứng dụng trong đánh giá; trong học tập của
học sinh (HS) và trong quản lý giáo dục.
Hiện nay, CNTT và internet đã tạo khoảng cách rút ngắn
trong giáo dục giữa các vùng miền, từng bước làm thay đổi phương thức quản lý
trong nhà trường và quản lý hệ thống giáo dục. Nhờ CNTT mà quá trình quản lý
giáo dục như: khuôn khổ pháp lý; mệnh lệnh quản lý; các cơ sở dữ liệu phục vụ
quản lý giáo dục như đội ngũ CB, GV, NV và HS, cơ sở vật chất, trang thiết bị,
kinh phí,…; các hoạt động quản lý như hội họp, tổ chức kiểm tra, thi cử dữ
liệu… đều được số hóa dưới dạng chuẩn, cập nhật thường xuyên, nhanh chóng, kịp
thời và được lưu chuyển nhanh trên toàn hệ thống nên hoạt động quản lý hết sức
thuận lợi và hiệu quả.
Ngoài ra, trong hoạt động dạy học, CNTT giúp giáo viên
soạn giáo án bằng máy vi tính, thực hiện các bài giảng điện tử tiết kiệm thời
gian ghi bảng để vận dụng các phương pháp dạy học tích cực giúp học sinh tiếp
cận lượng kiến thức lớn, phong phú đa dạng, sinh động làm cho lớp học sôi nổi,
học sinh có thể trao đổi, thảo luận, phát huy tính năng động tích cực và sự say
mê, hứng thú của học sinh trong học tập, HS tiếp thu bài nhanh hơn, giờ dạy có
hiệu quả cao hơn.
Nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả nhờ ứng dụng
CNTT mang lại, Sở GD&ĐT đã triển khai nhiều ứng dụng CNTT trong hoạt động
giáo dục, nhiều phần mềm hỗ trợ soạn giáo án, dạy học, trang bị máy chiếu
projector, smart board (bảng thông minh), mạng nội bộ . . . , sở đã đưa tiêu
chí sử dụng CNTT vào việc đánh giá giờ dạy của GV tại các hội thi GV dạy giỏi
cấp trường, cấp tỉnh trở thành động lực để GV khai thác các phương tiện dạy học
hiện đại, nâng cao chất lượng bài dạy. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 1.100
máy vi tính dùng để dạy học và 604 máy vi tính sử dụng cho công tác quản lý,
99,9% cơ sở giáo dục kết nối internet, có 61 cán bộ phụ trách CNTT, 81 GV trực
tiếp dạy môn Tin học cấp THPT và tin học tự chọn ở cấp THCS, trong đó có 9 CB,
GV có trình độ thạc sĩ và trên 85% trình độ cử nhân CNTT.
Đối với lĩnh vực quản lý giáo dục đã trang bị nhiều
phần mềm quản lý CB, quản lý HS, quản lý tài chính, giảng dạy, quản lý tài sản,
thiết bị, quản lý thi trắc nghiệm, quản lý thư viện, quản lý hành chính, lập kế
hoạch . . . đặc biệt tại cơ quan Sở GD&ĐT đang khai thác phần mềm Văn phòng
điện tử (TDOffice) chung với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đến xã, phường và
tiếp tục triển khai cho các trường THPT.
Trường THPT Trường Chinh (Ninh Sơn) giảng dạy CNTT cho
học sinh. Ảnh: Sơn Ngọc
Bước vào năm học 2016-2017, toàn ngành GD&ĐT có
329 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDTX với gần 130 nghìn học
sinh, hơn 7.500 CB, GV, NV. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy-học và quản
lý giáo dục theo Chỉ thị của Bộ GD&ĐT và Kế hoạch hành động số 492 của UBND
tỉnh về đổi mới công tác quản lý GD&ĐT tạo đột phá về phát triển GD&ĐT
trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2016 và giai đoạn 2016-2020, trong đó có nhiệm
vụ tổ chức xây dựng điển hình mô hình “Đổi mới quản trị trường học”, thì mỗi
người cần phải ý thức về tầm quan trọng và tính hữu ích của việc ứng dụng CNTT
đã làm thay đổi lớn về chất lượng giáo dục.
Mỗi cơ sở giáo dục, người đứng đầu phải tiên phong
trong việc ứng dụng CNTT, tạo môi trường thuận lợi để CNTT ứng dụng vào thực
tiễn. Truyên truyền, khuyến khích, giúp đỡ và bồi dưỡng để nâng cao nhận thức,
kiến thức về CNTT cho CB, GV và HS có vai trò trách nhiệm của mỗi người trong
việc ứng dụng CNTT, làm cho CB, GV, NV trong nhà trường thấy rõ tầm quan trọng
của việc ứng dụng CNTT đối với sự phát triển của nhà trường, góp phần thực hiện
thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Đức Lý (NTO)